Cụ thể, do Petroland chậm tiến độ xây dựng, một số người mua căn hộ đã đề nghị lấy lại tiền. Doanh nghiệp chỉ thanh lý hợp đồng cho các trường hợp đóng tiền đúng cam kết trong hợp đồng nhưng nhiều nhà đầu tư cho hay nếu tháng 10 không được nhận nhà họ sẽ rút vốn về. Bản thân dự án Petroland quận 2 cũng từng gây xôn xao thị trường địa ốc hồi năm 2011 khi bán tháo để thu xếp nợ ngân hàng.
Việc Petroland chậm tiến độ dự án đến hơn một năm được giải thích là do nhà thầu cũ đang thua lỗ. Petroland phải thay thế nhà thầu mới để khởi động lại dự án còn dang dở. Tuy nhiên doanh nghiệp muốn cơ cấu vốn hay khách hàng muốn rút tiền về trong lúc này đều vấp phải nhiều khó khăn.
Ngày 6/9, Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex công bố thoái phần lớn vốn tại một số đơn vị thành viên. Theo đó, Vinaconex quyết định thoái vốn 51% tại Công ty Xây dựng Số 3, toàn bộ 24% vốn tại Vinaconex - VCN và 15% trong số 51% vốn góp tại Công ty Vinaconex 6.
4 ngày sau, Công ty Toàn Thịnh Phát công bố sẽ thoái hết vốn khỏi Công ty đại ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal - mã chứng khoán SCR). Cụ thể, từ ngày 12/9 đến 11/10, Toàn Thịnh Phát đăng ký bán 839.100 cổ phiếu SCR (0,84%) nhằm cơ cấu lại danh mục đầu tư. Phương thức giao dịch là khớp lệnh và thỏa thuận.
Các nhà đầu tư từ cá nhân cho tới tổ chức đua nhau thoái vốn khiến doanh nghiệp bất động sản chịu thêm nhiều áp lực trong bối cảnh bản thân họ đã rất thiếu vốn, khó tiếp cận ngân hàng. Không ít trường hợp đã phải vội vàng cắt lỗ, xả hàng tồn kho để tranh nhau thu hồi tiền mặt càng nhanh càng tốt. Chỉ tính trong quý 3, nhiều dự án đã được bung hàng giữa lúc thị trường bước vào tháng cô hồn (tháng 7 Âm lịch - đại kị mua bán tài sản lớn).
Giám đốc Bộ phận nghiên cứu thị trường Công ty GIBC, Huỳnh Phước Nghĩa dự báo: "Thoái vốn bất động sản là dấu hiệu tích cực và sẽ trở thành xu hướng trong thời gian tới. Đây là cách doanh nghiệp linh hoạt phản ứng lại với tình hình khó khăn chung của thị trường nhà đất nói riêng và nền kinh tế nói chung".
Theo ông Nghĩa, dù thoái vốn trong lúc này rất khó khăn nhưng bằng nhiều cách khác nhau, các nhà đầu tư và doanh nghiệp sẽ tự cân nhắc khả năng chịu lỗ để quyết định đẩy hàng đi với mức giá thị trường có thể chấp nhận. Đây cũng là cơ hội để cá nhân và tổ chức có nhu cầu về nhà ở lựa chọn nhà đất vừa túi tiền. Tuy nhiên chuyên gia này cho rằng "thợ săn" phải hết sức tỉnh táo mới mua được hàng "ngon".
Trong khi đó, tại cuộc gặp báo chí ngày 11/9, Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa tại Hong Kong và Thượng Hải - Tiến sĩ Alan Phan phân tích: "Đây là thời điểm doanh nghiệp và nhà đầu tư bất động sản phải trả giá vì vung tiền một cách dàn trải, thiếu tập trung".
Theo ông Alan Phan, quá trình cơ cấu lại dòng vốn, xử lý những khối tài sản bất động sản trong lúc này sẽ khiến không ít doanh nghiệp điêu đứng. Nhẹ thì lỗ ít, nặng có khi phải trả giá lớn. Chuyên gia này cũng nhận xét thêm với tình hình kinh tế đang khó khăn như hiện nay, các doanh nghiệp đều có xu hướng đầu tư tập trung thậm chí thu hẹp chờ cơ hội khi kinh tế hồi phục.