Bến Cát đi lên công nghiệp hóa từ cái gốc nông nghiệp tiềm ẩn nhiều rủi ro và không bền vững. Cái quá trình đi lên ấy diễn ra nhanh lắm! Chỉ trong vòng khoảng hơn 10 năm trở lại đây thôi...
Đô thị Bến Cát đang đổi thay mạnh mẽ
Đất lửa vươn mình
Về Bến Cát những ngày này, thật khó nhận ra đây chính là vùng đất thuần nông trong quá khứ không xa. Hồi ấy, nhắc đến Bến Cát, người ta thường nhắc về một vùng đất kiên cường, là đất lửa đạn trong chiến tranh. Vùng đất ấy, qua bao chiến dịch càn quét của Mỹ - Ngụy đã oằn lưng gánh, cõng hàng ngàn tấn bom đạn. Hòa bình lập lại, những tàn dư của chiến tranh và nền nông nghiệp lạc hậu khiến cho cuộc sống của người dân Bến Cát gặp nhiều khó khăn trong thời gian dài. Dù là huyện trọng điểm về lúa của tỉnh Sông Bé cũ nhưng việc phát triển kinh tế của Bến Cát vẫn có rất nhiều hạn chế. Thậm chí, ở một số vùng trọng điểm tranh chấp giữa ta và địch khi xưa phải chịu cảnh khó khăn trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, cải thiện đời sống kinh tế cho nhân dân. Bến Cát trong một thời gian dài cũng phải loay hoay với chuyện thoát nghèo từ nông nghiệp, từ những vườn điều, tiêu, cao su... Nhưng làm thế nào để đất lửa ngày xưa đột phá đi lên để hóa “bến vàng” thì quả thực là một quá trình đầy gian nan.
Quá trình “vàng hóa” của Bến Cát bắt đầu từ cột mốc quan trọng sau khi tái lập tỉnh (1997). Sau đó, UBND tỉnh Bình Dương có chủ trương đưa công nghiệp về các huyện phía bắc của tỉnh. Lãnh đạo huyện, rất nhạy bén, đã cụ thể hóa khát vọng cải thiện đời sống kinh tế cho nhân dân bằng hàng loạt động thái “trải thảm” đón nhà đầu tư. Những lợi thế về dân cư đông, diện tích đất rộng lớn của một huyện thuần nông đã phần nào tạo điều kiện cho ý chí quyết tâm đi lên bằng con đường công nghiệp hóa của huyện Bến Cát.
Hôm nay, đi giữa đường quốc lộ 13 với 6 làn xe chạy thoáng đãng và hiện đại với các khu đô thị, khu công nghiệp (KCN) rải đều 2 bên đường, khó hình dung rằng Bến Cát ngày xưa đã từng trăn trở và băn khoăn với thế độc canh lúa nước, thế độc đạo lên Chơn Thành với những dải đất khô cằn bạt ngàn. Kể từ khi KCN Mỹ Phước 1 hình thành, nhà đầu tư trong và ngoài nước liên tục rót vốn về Bến Cát, tạo niềm tin để lãnh đạo và nhân dân Bến Cát tin vào đường lối công nghiệp hóa của tỉnh.
Bến Cát của ngày hôm nay đã thực sự lột xác đáng kinh ngạc. Tổng giá trị sản xuất chỉ tính riêng trong năm 2011, lên đến 42.538,4 tỷ đồng. Tăng trưởng kinh tế của huyện đạt 20%. Từ một huyện thuần nông, Bến Cát giờ đây đã chuyển hẳn sang công nghiệp bằng một tỷ lệ rất đáng mơ ước: Công nghiệp (86,1%) - dịch vụ (7,7%) - nông nghiệp (6,2%). Rõ ràng, thiên nhiên không có nhiều ưu đãi cho huyện, nhưng đến nay, bằng đường lối công nghiệp hóa đúng đắn, Bến Cát đã trở thành “bến vàng” bằng những dự án đầu tư lớn, bằng những dây chuyền sản xuất nổi tiếng từ các nhà máy được đầu tư quy mô lớn như: Nhà máy sản xuất nước ngọt Kirin Acecook (60 triệu USD), Nhà máy sản xuất vỏ ô tô Kumho Tires (360 triệu USD)...
Sau 37 năm giải phóng, những vùng “Tam giác sắt”, “Bông Trang, Nhà Đỏ”, Bàu Bàng hay con đường quốc lộ 13... đã trở thành điểm son về phát triển kinh tế và là những điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư từ 24 quốc gia trên khắp thế giới. Từ đây, đời sống của người dân Bến Cát cũng ngày càng được cải thiện với thu nhập bình quân thuộc vào hàng cao nhất so với mặt bằng chung của tỉnh: 34,7 triệu đồng/người/năm.
Đất lành hội tụ
Thực ra, không phải đến bây giờ người ta mới nghĩ tới việc tìm về Bến Cát mà sinh sống, phát triển kinh tế. Từ khi KCN đô thị Mỹ Phước I, II, III, IV được hình thành, hàng loạt dự án bất động sản và hàng loạt khu đô thị mới như mời gọi người dân quy tụ về Bến Cát. Xác định công nghiệp gắn liền với việc phát triển bộ mặt đô thị, nên từ lâu Bến Cát đã chú trọng công tác quy hoạch và phát triển các khu dân cư, đô thị. Điều này thể hiện rõ ở 2 con số sống động: Bến Cát phát triển công nghiệp mạnh mẽ với 8 KCN, tổng diện tích là 4.086 ha thì cũng xây dựng 18 khu dân cư, đô thị với tổng diện tích lên đến 4.744 ha.
Không phải từ những lời quảng cáo có cánh đến từ giới nhà đất hay những mỹ từ dễ xuôi tai của ai đó quá yêu Bến Cát, mà chính từ định hướng quy hoạch của UBND tỉnh Bình Dương đã cho thấy Bến Cát sẽ rất đáng để sinh sống và phát triển trong tương lai gần. Theo đó, chỉ từ nay đến năm 2015 thôi, Bến Cát sẽ có ít nhất 3 đô thị lớn được định hình và phát triển là Mỹ Phước (nhập 1 phần vào thành phố mới Bình Dương), Khu đô thị Nam Bến Cát và Khu đô thị Bàu Bàng (trung tâm huyện Bàu Bàng sau khi chia tách huyện).
Định hướng quy hoạch chung đô thị Nam Bến Cát được xác định là đô thị công nghiệp - dịch vụ và nông nghiệp sinh thái nằm trong đô thị loại IV (năm 2015), loại III (năm 2020) và sau năm 2020 là quận nội thành của thành phố Bình Dương. Tầm nhìn quy hoạch tới năm 2030: đô thị vùng Tây Nam Bến Cát sẽ phát triển ổn định với dân số khoảng 150.000 - 180.000 dân với cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh sang công nghiệp và dịch vụ.
Khu vực Nam huyện Bến Cát có diện tích tự nhiên khoảng 9.512 ha gồm các xã Phú An, An Điền và An Tây, là khu vực được bao bọc bởi 2 con sông Sài Gòn và Thị Tính với các tuyến đường tỉnh lộ đi qua. Hiện tại, khu vực đã thu hút nhiều dự án phát triển công nghiệp và dịch vụ và đã có 4 KCN tập trung như: Việt Hương 2, Rạch Bắp, Mai Trung, An Tây.
Theo quy hoạch vùng đã được Chính phủ phê duyệt, Bàu Bàng cũng sẽ được phát triển các KCN tập trung và các khu đô thị vệ tinh. Theo đề xuất của đơn vị tư vấn, quy hoạch đô thị Bàu Bàng khoảng 4.042 ha, sử dụng một phần quỹ đất của dự án khu dân cư ấp 5A, Lai Uyên nằm kề quốc lộ 13 để xây dựng trung tâm hành chính của huyện mới. Đến năm 2015, Bàu Bàng đạt đô thị loại V, năm 2020 đạt đô thị loại IV và đến năm 2030 đạt đô thị loại III.
Bến Cát hôm nay và tương lai như một “gã khổng lồ” thức giấc và đang đứng vững trên đôi chân công nghiệp - đô thị. Bằng đôi chân vững vàng ấy, kỳ vọng trong tương lai gần đây sẽ là “đất lành” để nhiều người tìm kiếm cơ hội được an cư và lạc nghiệp trong một môi trường lý tưởng.
Giờ đây, sau hơn chục năm kể từ ngày bắt đầu công nghiệp hóa, Bến Cát có đến 8 KCN được hình thành và đi vào sản xuất với tổng diện tích 4.086 ha. Và các KCN như Mỹ Phước 1, Mỹ Phước 2, Mỹ Phước 3, Bàu Bàng, Việt Hương... trở thành điểm đến hấp dẫn cho hơn 1.700 dự án đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tổng vốn đầu tư lên đến hơn 3 tỷ USD. Chỉ tính trong năm 2011, dù tình hình kinh tế trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn, Bến Cát vẫn đạt tổng giá trị sản xuất công nghiệp lên đến 36.626,9 tỷ đồng, tăng 22,8% so với năm 2010. Ước tổng giá trị sản xuất 6 tháng đầu năm 2012 của Bến Cát cũng đạt 22.148 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ. Đây quả là con số đáng khích lệ. Trong đó, công nghiệp đạt 18.537 tỷ đồng, thu hút thêm 65 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 11 ngàn tỷ đồng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa trong 6 tháng đầu năm cũng đạt 2.244 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2011. Huyện cũng đã có thêm 1 chợ và 1 siêu thị đi vào hoạt động tại Mỹ Phước 2 để phục vụ cho người dân.
KHÁNH VINH
Theo Báo Bình Dương
Vn Bất Động Sản | Dat Binh Duong Gia Re | Dat Binh Duong | Mua Ban Nha Dat
0 nhận xét:
Đăng nhận xét