Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Nguyễn Minh Quang cho rằng, phải đến năm 2015 mới có thể cơ bản cấp xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên cả nước.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng không đồng ý với thời hạn trên và yêu cầu phải cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân cơ bản xong trong năm 2013.
Trong thời gian qua, đất đai là lĩnh vực phát sinh khiếu kiện nhiều nhất
Là người đăng đàn chất vấn đầu tiên, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) đề nghị, Bộ trưởng Quang cho biết giải pháp cụ thể để giải quyết những bất cập trong vấn đề giao đất, đền bù giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất đang gây bức xúc trong dư luận thời gian qua. Liên quan đến vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) hỏi về trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai.
Bộ trưởng Quang cho rằng, trong cơ chế bao cấp, vấn đề đất đai không có diễn biến quá phức tạp. Khi thực hiện cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thì những diễn biến phức tạp từ giải quyết vấn đề đất đai từ thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tổ chức tái định cư… diễn ra ở tất cả các địa phương. Đặc biệt là đối với các địa bàn, vùng đô thị, các vùng liên quan đến khu công nghiệp và các cụm công nghiệp.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo ông Quang, trước hết là do việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tổ chức để tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ở một số dự án chưa đảm bảo dân chủ, công khai, bình đẳng. Mặt khác, công việc này được tiến hành chưa kiên quyết, trong đó có liên quan đến vấn đề lợi ích, nhất là lợi ích của Nhà nước, lợi ích của người sử dụng đất.
Ngoài ra, giá đất tính bồi thường còn thấp. Bên cạnh đó, chưa chú trọng đến vấn đề có quy định bắt buộc để xây dựng khu tái định cư trước khi thu hồi đất, chưa chú trọng trong việc tạo việc làm mới, chuyển nghề cho người có đất bị thu hồi. Một nguyên nhân khác là năng lực và đội ngũ cán bộ làm công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tổ chức tái định cư có mặt hạn chế nhất định. Những bất cập trên dẫn đến khiếu kiện và số vụ khiếu kiện kéo dài còn nhiều.
Cũng theo ông Quang, sau khi có Nghị định 69, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đã có những bước tiến đáng kể trong ổn định đời sống, đào tạo nghề đối với người dân có đất bị thu hồi.
“Chúng tôi cho rằng, mặt được ở đây là đã giải quyết tương đối cơ bản vấn đề mà người dân đặt ra hiện nay, trong đó có liên quan đến vấn đề giá đất, liên quan đến bồi thường và liên quan đến vấn đề hỗ trợ. Quyền lợi của người có đất bị thu hồi so với trước đây đã được cải thiện hơn rất nhiều, người dân đồng tình hơn”, ông Quang nói.
Tuy nhiên, ông Quang cũng thừa nhận, cơ chế tự thỏa thuận sẽ tạo vấn đề về chênh lệch giá giữa nhà đầu tư và người dân có đất khi thỏa thuận với nhau, gây khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Chính vì vậy, ông Quang cho rằng, tới đây, khi sửa luật hoặc các nghị định cần xem xét lại việc thay thế quy định các nhà đầu tư tự thỏa thuận với dân bằng việc Nhà nước tiến hành thu hồi để điều chỉnh mối quan hệ giữa các nhóm lợi ích giữa Nhà nước, người bị thu hồi đất và nhà đầu tư.
Ở một góc nhìn khác, đại biểu Lê Thị Công (Bà Rịa - Vũng Tàu) phản ánh, hiện nay, trên cả nước có nhiều dự án đã có quyết định giao đất của cấp có thẩm quyền mà chậm hoặc không triển khai từ 12 - 24 tháng, gây lãng phí trong việc sử dụng đất. Theo quy định thì những dự án này sẽ bị thu hồi, nhưng trên thực tế rất khó thực hiện. Vậy Bộ Tài nguyên và Môi trường có giải pháp gì để thực thi quy định này?
Theo Bộ trưởng Quang, từ năm 2010 trở về trước, kinh tế Việt Nam phát triển tương đối mạnh, cùng với công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đất đai được huy động cho yêu cầu phát triển của đất nước rất lớn. Những kết quả đã đạt được như phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các dự án… của các địa phương. Nhưng tình hình lãng phí đất đai hiện nay chủ yếu là do lạm phát, dẫn đến khó khăn đối với các doanh nghiệp. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng dự án, đã nhận đất, nhưng không triển khai được.
Trước thực trạng trên, nhiều địa phương khá lúng túng trong việc giải quyết những trường hợp chậm trễ triển khai dự án, vì nhiều doanh nghiệp đã có đầu tư vào đất rồi, nếu thu hồi theo quy định của luật thì phải bồi thường cho doanh nghiệp ra sao?
“Hiện nay, chúng tôi đang tổng hợp tình hình này ở các địa phương, sau đó sẽ tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ để có biện pháp xử lý”, ông Quang nói và nêu quan điểm, có thể tới đây, luật cần quy định, nếu các nhà đầu tư đã nhận đất rồi mà không làm, quá thời gian quy định thì Nhà nước sẽ thu hồi và không bồi thường.
Theo ĐTCK
Vn Bất Động Sản | Ban Dat Binh Duong | Dat Binh Duong | Mua Ban Nha Dat
0 nhận xét:
Đăng nhận xét